佛
遺
教
經
(
佛
垂
般
涅
槃
略
說
教
誡
經
)
kinh Giáo huấn để lại của Phật (kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn)
Sutra on the Buddha’s Bequeathed Teaching
Đại Chính tạng T12 n0389 p1110c13
CBETA
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hóa độ tôn giả Kiều-trần-như, thuyết pháp lần cuối cùng hóa độ tôn giả Tu-bạt-đà-la. Những người có thể hóa độ, Ngài đã hóa độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây song thọ, Ngài sắp niết bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp.
When Shakyamuni Buddha first turned the Wheel of Dharma, he crossed over the Venerable Ajnatakaundinya. The very last time he spoke the Dharma, he crossed over the Venerable Subhadhra. All of those whom he should have crossed over had already been crossed over. He lay between the Twin Sala trees and was about to enter Nirvana. At this time, in the middle period of the night, all was quiet, without any sound. Then for the sake of all of his disciples, he spoke on the essentials of the Dharma.
Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.
All of you Bhikshus! After my Nirvana, you should revere and honor the Pratimoksha. It is like finding a light in darkness, or like a poor person obtaining a treasure. You should know that it is your great teacher, and is not different from my actual presence in the world.
Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa.
Those of you who uphold the pure precepts should not buy, sell or trade. You should not covet fields or buildings, or keep servants or raise animals. You should stay far away from all kinds of agriculture and wealth as you would avoid a pit of fire.
Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm.
You should not cut down grass or trees, plow fields or dig the earth. Nor may you compound medicines, prophesize good and evil, observe the constellations, cast horoscopes by the waxing and waning of the moon, or compute astrological fortunes. All of these activities are improper. Regulate yourselves by eating at the appropriate time and by living in purity. You should not participate in worldly affairs or act as an envoy. Nor should you become involved with magical spells and elixirs of immorality, or with making connections with high ranking people, being affectionate towards them and condescending towards the lowly.
Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Đối với 4 sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ.
With an upright mind and proper mindfulness you should seek to cross over. Do not conceal your faults or put on a special appearance to delude the multitudes. Know your limits and be content with the 4 kinds of offerings. When you receive offerings, do not store them up.
Đó là Như Lai nói tóm tắt về sự giữ giới. Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ.
This is a general explanation of the characteristics of upholding the precepts. The precepts are the root of proper freedom; therefore they are called the Pratimoksha (lit. the root of freedom). By relying on these precepts, you will give rise to all dhyana concentrations, and reach the wisdom of the cessation of suffering.
Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức.
For this reason, Bhikshus, you should uphold the pure precepts and not allow them to be broken. If a person is able to uphold the pure precepts, he will, as a result, be able to have good dharmas. If one lacks the pure precepts, no good merit and virtue can arise. Therefore you should know that the precepts are the dwelling place for the foremost and secure merit and virtue.
Các thầy Tỷ kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự 5 thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong 5 thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng 5 thứ giác quan, thì không những chỉ có 5 thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế.
All of you Bhikshus! If you are already able to abide by the precepts, you should restrain the 5 sense organs, and do not allow them to enter the 5 desires as they please. It is like a person tending cattle who carries a staff while watching them, not allowing them to run loose and trample others’ spouting grains. If you let your 5 sense organs run loose, not only will the five desires become boundless, they will be uncontrollable.
Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp: tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.
They are like a violent horse unrestrained by reins who drags a person along so that he falls into a pit. If you are robbed or injured you will suffer for only a single life, but the injury from the plundering done by the five sense organs brings misfortunes which extend for many lives. Because their harm is extremely heavy, it is impermissible to be careless. For this reason wise people restrain the five sense organs and do not go along with them. They restrain them like thieves who are not allowed to run loose. If you let them run loose for a while, before long you will observe their destruction.
Các thầy Tỷ kheo, 5 thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu,
Since the five sense organs have the mind as their ruler, you should restrain the mind well. Your mind is as dangerous as an extremely poisonous snake, a savage beast or a hateful robber. A great fire rushing upon you is still not a satisfactory analogy for the mind. It is like a person carrying a container of honey who, as he moves along in haste, only pays attention to the honey, and does not notice a deep pit.
như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.
It is like a mad elephant without a barb, or a monkey in a tree jumping about, which are both difficult to restrain. You should hasten to control it and not allow it to run loose. Those who allow their minds to wander freely lose the goodness that people do. By restraining it in one place there is no affair which cannot be completed. For this reason, Bhikshus, you should vigorously subdue your mind.
Các thầy Tỷ kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy.
All of you Bhikshus! You should accept various kinds of food and drink as if you were taking medicine. Whether they be good or bad, do not take more or less of them, but use them to cure hunger and thirst and to maintain the body. Bhikshus should be the same way as bees gathering from flowers, only taking the pollen without harming their form or scent.
Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực.
Receive peoples’ offerings to put an end to distress, but do not seek to obtain too much and spoil their good hearts. Be like a wise man, who having estimated the load that suits the strength of his ox, does not exceed that amount and exhaust its strength.
Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi.
All of you Bhikshus! During the day, with a vigorous mind, cultivate the Dharma and do not allow the opportunity to be lost. In the first and last periods of the night also do not be lax, and during the middle period of the night, chant Sutras to make yourself well informed. Do not let the causes and conditions of sleep cause your single life to pass in vain, so that you do not obtain anything at all.
Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác?
You should be mindful of the fire of impermanence which burns up all the world. Seek to cross yourself over and do not sleep. The thieves of afflictions are always about to kill you even more than your mortal enemies. How can you sleep? How can you not rouse yourself to awaken?
Phiền não ngủ trong tâm, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn.
The poisonous serpent of afflictions is sleeping in your mind; just as if a black viper were asleep in your room. You must use the hook of precepts to quickly remove it. When the sleeping snake is gone, then you can rest at ease. Those who sleep even though the snake has not yet gone, are without shame.
Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú.
The clothing of shame, among all adornments, is the very best. Shame can be compared to an iron barb which can restrain people from doing evil. Therefore you should always have a sense of shame, and not be without it even for a moment, for if you have no sense of shame you will lose all of your merit and virtue. Those who have shame have good dharmas; one without it is no different from the birds and beasts.
Các thầy Tỷ kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức.
All of you Bhikshus! Even if a person dismembered you piece by piece, your mind should be self-contained. Do not allow yourself to become angry. Moreover, you should guard your mouth and not give rise to evil speech. If you allow yourself to have thoughts of anger, you will hinder your own Way, and lose the merit and virtue you have gained.
Đức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí.
Patience is a virtue which neither upholding the precepts nor the ascetic practices are able to compare with. One who is able to practice patience can be called a great person who has strength; If you are unable to happily and patiently undergo the poison of malicious abuse, as if drinking sweet dew, you cannot be called a wise person who has entered the Way.
Tại sao, vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ.
Why is this? The harm from anger ruins all good dharmas and destroys one’s good reputation. People of the present and of the future will not even wish to see this person. You should know that a heart of anger is worse than a fierce fire. You should always guard against it, and not allow it to enter you, for of the thieves which rob one’s merit and virtue, none surpass anger.
Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để tự khống chế, thế nên giận dữ thì còn có thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì thật bất đáng; không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp.
Anger may be excusable in lay people who indulge in desires, and in people who do not cultivate the Way, who are without the means to restrain themselves, but for people who have left home-life, who cultivate the Way and are without desires, harboring anger is impermissible. Without a clear, cool cloud, there should not be a sudden blazing clash of thunder.
Các thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?
All of you Bhikshus! You should rub your heads, for you have relinquished fine adornments, you wear the garments of a Buddhist monk, and you carry the alms bowl to use in begging for your livelihood; look at yourself in this way. If thoughts of arrogance arise you should quickly destroy them, because arrogance and pride are not appropriate even among the customs of lay people, how much the less for a person who has left the home-life and entered the Way. For the sake of liberation, you should humble yourself and receive alms for your food.
Các thầy Tỷ kheo, tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy. Vì thế mà các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản.
All of you Bhikshus! Thoughts of flattery are contradictory to the Way. Therefore you should have a straightforward disposition of mind. You should know that flattery is only deceit, so people who have entered the Way should not flatter. For this reason, all of you should have an upright mind, and take a straightforward disposition as your basis.
Các thầy Tỷ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó. Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức.
All of you Bhikshus! You should know that people with many desires suffer much, because they constantly seek for their own benefits. People who reduce their desires, who are free of seeking or longing, do not have so much trouble. Straight-away reduce your desires and cultivate appropriately. One who reduces desires can increase merit.
Người ít ham muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có niết bàn. Đó là hạnh ít ham muốn.
People who reduce their desires, do not flatter in order to get what they want from others. Moreover they are not dragged along by their sense organs. People who reduce their desires have, as a consequence, a mind which is peaceful, without worry or fear. When situations arise, they are ever satisfied and never discontent. One who reduces his desires can realize Nirvana. This is my teaching on reducing desires.
Các thầy Tỷ kheo muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ. Chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa đủ.
All of you Bhikshus! If you wish to be free from all suffering and difficulty, you should know contentment. The dharma of contentment is the dwelling of blessings, happiness, and peace. People who are content, although they might sleep on the ground are peaceful and happy. Those who are not content, although they might abide in the heavens, are still dissatisfied. Those who are not content, even if they are wealthy, still they are poor. Those who are content, although they might be poor, they are truly rich. Those who are discontent are always dragged along by their five sense organs, and are pitied by those who are content. This is my teaching on contentment.
Các thầy Tỷ kheo muốn cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Đế thích và chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng, dùng “tư duy tu” mà cắt đứt gốc rễ đau khổ.
All of you Bhikshus! Seek quietude, unconditioned peace, and happiness. You should be apart from confusion and disturbances, and dwell alone in seclusion. People who dwell in quietude are revered by the heavenly ruler Shakra and all the gods. For this reason you should leave your own group and other groups; dwell alone in seclusion. Contemplate the root of suffering’s end.
Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy. Thế gian ràng buộc mà chìm ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi già mà sa xuống bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát.
If you delight in crowds, you will undergo much affliction. It is like when a flock of birds gathers in a great tree, the tree is in danger of collapsing. One who is bound to the world drowns in a multitude of suffering, like an old elephant sunk in mud, who is unable to get himself out. This is my teaching on seclusion.
Các thầy Tỷ kheo, nỗ lực tinh tiến thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tiến. Nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá. Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó mà có được. Đó là hạnh tinh tiến.
All of you Bhikshus! If you are vigorous, no affair will be difficult for you. For this reason all of you should be vigorous. It is like a small stream flowing for a long time which is able to bore through stones. If, on the other hand, the mind of one who cultivates frequently becomes lax, it is like trying to make a fire by friction but resting before you get any heat. Though you want to make a fire, the fire is hard to get. This is my teaching on vigor.
Các thầy Tỷ kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ, đều không bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí.
All of you Bhikshus! Seeking for a Good and Wise Advisor, or for a wholesome benefactor, does not compare with mindfulness. If you do not neglect mindfulness, none of the thieves of the afflictions can enter your mind. For this reason all of you should constantly collect the thoughts in your mind.
Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm.
If you lose mindfulness you will lose all merit. If your power of mindfulness is firm and strong, though you mingle with the thieves of the five desires, they cannot harm you. It is like joining a battle-wearing armor, thus you have nothing to fear. This is my teaching on mindfulness.
Các thầy Tỷ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định.
All of you Bhikshus! If you collect your thoughts, your mind will be concentrated. If your mind is concentrated, you can know the arising and ceasing of all dharma’s appearances. For this reason, all of you should constantly and vigorously cultivate concentration. If you attain concentration your mind will not be scattered. It is like a household that uses its water sparingly and is able to regulate its irrigation ditches. One who cultivates concentration is also the same way; for the sake of the water of wisdom he cultivates dhyana concentration, so it does not leak away. This is my teaching on concentration.
Các thầy Tỷ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Không như thế thì đã không phải xuất gia, lại không phải thế tục, không còn biết gọi là gì. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bịnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bịnh tật, là búa sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ.
All of you Bhikshus! If you have wisdom, you will be free of greed or attachment. Always examine yourselves, and do not allow yourselves to have faults. This way you can gain liberation within my Dharma. If you never examine yourself, I do not know what to call you, for you are neither a cultivator of the Way nor a layperson. One with wisdom rides in a secure boat for crossing over the ocean of birth, old age, sickness, and death. Wisdom is also like a big bright lamp in the darkness of ignorance, a good medicine for those who are sick, and a sharp ax for cutting down the tree of afflictions. For this reason all of you should increasingly benefit yourselves by learning, considering, and cultivating wisdom. Even though a person only has flesh eyes, if he has illuminating wisdom, he has clear understanding. This is my teaching on wisdom.
Các thầy Tỷ kheo, nếu hý luận đủ thứ thì tâm trí rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí. Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận. Đó là hạnh không hý luận.
All of you Bhikshus! If you indulge in all sorts of idle discussions, your mind will be scattered and even though you have left the home-life, you will not attain liberation. For this reason, Bhikshus, you should quickly renounce scattered thoughts and idle discussions. If you want to attain the happiness of still tranquility, you only need to eliminate the error of frivolous debate. This is my teaching on not having idle discussions.
Các thầy Tỷ kheo, đối với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù. Thể hiện lòng đại bi, Như lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành. Hoặc trong rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các thầy hãy ở một cách thư thái, trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất.
All of you Bhikshus! With respect to merit, you should always be single-minded. Relinquish laziness as you would avoid a hateful thief. The World Honored One has now finished his compassionate teaching for your benefit. All of you need only to practice it diligently. Whether you are in the mountains, in a desolate marsh, beneath a tree, or in a quiet dwelling, be mindful of the Dharma you have received and do not forget it.
Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình sẽ chết đi một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận. Như lai như vị lương y, biết bịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường.
You should always exert yourself and practice it vigorously. You do not want to reach the time of death and be filled with remorse because you spent your life in vain. I am like a good doctor who understands illnesses and prescribes medicines. Whether you take it or not is not the doctor’s responsibility. Moreover I am like a virtuous guide who points out a good road. If you who hear of it do not walk down that road, it is not the guide’s fault.
Các thầy Tỷ kheo, đối với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi, mà không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng không ai chất vấn. Vì lẽ chư Tăng không có ai còn hoài nghi gì nữa. Bấy giờ tôn giả A nâu lâu đà quán sát tâm trí chư Tăng, rồi thưa với Ngài,
All of you Bhikshus! If you have doubts about suffering and the other Four Truths, you may quickly ask about them now. Do not harbor doubts and fail to clear them up. At that time the World Honor One repeated this three times, yet no one asked him a question. And why was this? Because the assembly did not harbor any doubts. At that time, Venerable Aniruddha contemplated the minds of the assembly and said to the Buddha,
bạch đức Thế tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật là khổ, không thể làm cho vui lên; tập là nguyên nhân của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt; đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch đức Thế tôn, đối với bốn chân lý, các vị Tỷ kheo đây đã quyết định, không còn hoài nghi gì nữa.
“World Honor One, the moon might grow hot and the sun could grow cold, but the Four Truths proclaimed by the Buddha could not be otherwise. The Truth of Suffering taught by the Buddha is actually suffering, and cannot become happiness. Accumulation is truly the cause of suffering, besides which there is no other cause. If one wants to destroy suffering, the cause of suffering must be destroyed, because if the cause is destroyed then the result is destroyed. The path leading to the destruction of suffering is truly the real path, besides which there is no other path. World Honored One, all of these Bhikshus are certain and have no doubts about the Four Truths.”
Chư Tăng lúc ấy, những người tu học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt độ hãy còn bi cảm. Những người mới vào chánh pháp, nghe Phật nói liền được hóa độ, như trong đêm tối mà điện chớp sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu học đã hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng, đức Thế tôn diệt độ sao mà mau chóng như vậy.
When those in this assembly who have not yet done what should be done see the Buddha cross over to Nirvana they will certainly feel sorrow. Those who have newly entered the Dharma and heard what the Buddha taught, will all cross over. They have seen the Way, like a flash of lightning in the night. But those who have already done what was to be done, who have already crossed over the ocean of suffering, will only have this thought: “Why has the World Honored One crossed over to Nirvana so soon?”
Do đó, Tôn giả A nâu lâu đà tuy đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt bốn chân lý, nhưng đức Thế tôn muốn làm cho tất cả đều được kiên định, nên vẫn đem tâm đại bi mà huấn dụ thêm nữa.
Although Aniruddha spoke these words, everyone in the assembly had already understood the meaning of the Four Holy Truths. The World Honored One wanted everyone in that great assembly to be firm and secure, so with a mind of great compassion he spoke again for their sake.
Các thầy tỷ kheo, không nên buồn rầu; nếu Như lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được. Chánh pháp tư lợi lợi tha đã có đầy đủ. Như lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Ai có khả năng tiếp nhận hóa độ, thì ở trên chư thiên hay ở trong nhân loại, Như lai đã hóa độ tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận hóa độ, thì Như lai cũng đã tạo yếu tố hóa độ cho họ.
All of you Bhikshus! Do not be grieved or distressed. If I were to live in the world for an eon, my association with you would still come to an end. A meeting without a separation can never be. The Dharma for benefiting oneself and others is complete. If I were to live longer it would be of no further benefit. All of those who could be crossed over, whether in the heavens or among humans, have already crossed over, and all of those who have not yet crossed over have already created the causes and conditions for crossing over.
Từ nay về sau, đệ tử của Như lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như lai thường trú bất diệt. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Ngược lại, cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh.
From now on all of my disciples must continuously practice. Then the Thus Come One’s Dharma body will always be enduring and indestructible. You should know therefore, that everything in the world is impermanent. Meetings necessarily have separations, so do not harbor grief. Every appearance in the world is like this; be vigorous, seek liberation right away! Destroy the darkness of delusion with the brightness of wisdom.
Vũ trụ quả thật mỏng manh, không một thứ chi bền bỉ. Như lai được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bịnh khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này như trừ bỏ kẻ thù?
The world is truly dangerous and unstable, it is not reliable. My attainment of Nirvana is like getting rid of an evil disease. The malign body is falsely-named, drowning in the great ocean of birth, sickness, old age and death. How can one who is wise not be happy when he gets rid of it, like killing a hateful thief?
Các thầy Tỷ kheo, hãy thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của Như lai.
All of you Bhikshus! You should always single-mindedly and diligently seek the way out of all the moving and unmoving dharmas of the world, for they are all decaying, unfixed appearances. All of you! Here I stop; there is nothing more to say. Time is passing away, and I want to cross over to Nirvana. These are my very last instructions.